Tia UV là gì? Có tác hại và lợi ích gì?
Ở những nước nhiệt đới thường có lượng ánh nắng mặt trời mạnh và nhiều, điều đó cũng tỷ lệ thuận với việc tia UV cũng nhiều và mạnh. Vậy tia UV là gì? Nó có hại gì cho chúng ta? Và có lợi ích gì trong những mục đích khác? Cùng VeryGirlie tìm hiểu ngay nhé.
Tóm Tắt Nội Dung
Tia UV là gì?
Tia UV là tia tử ngoại, tia cực tím (Ultraviolet) hay còn được gọi là bức xạ tia cực tím, là một dạng bức xạ đến từ mặt trời và từ các nguồn nhân tạo khác như giường nằm tắm nắng và đèn hàn hơi, bức xạ tia cực tím có bước sóng điện từ ngắn hơn so với ánh sáng thấy được và dài hơn tia X.
Bức xạ là sự phát xạ (phát ra) năng lượng từ bất kỳ từ nguồn nào. Có nhiều loại bức xạ
- từ bức xạ năng lượng rất cao (tần số cao) – như tia X và tia gamma –
- đến bức xạ năng lượng rất thấp (tần số thấp) – như sóng vô tuyến.
- Tia UV nằm ở giữa phổ này và chứa nhiều năng lượng hơn ánh sáng thấy được, nhưng không nhiều bằng tia X.
Tia UV thường xuất hiện trong ánh sáng tự nhiên, và là một phần trong ánh sáng mặt trời. Trong ánh nắng mặt trời có 3 tia chính: tia hồng ngoại, ánh sáng thấy được mắt thường và tia tử ngoại (tia UV).
Vậy tia hồng ngoại là gì? Tia hồng ngoại là tia có bước sóng trên 700 nm và chiếm khoảng 50% tổng tỉ lệ bức xạ. Và chúng ta không thể thấy bằng mắt thường được, nhưng sẽ cảm nhận được sự ấm áp từ tia hồng ngoại.
Bức xạ UV được chia ra làm 3 nhóm tia chính:
- UVA (380-315 nm), người ta hay gọi là “ánh sáng đen” nên mắt người không thể thấy được
- UVB (315-280 nm) có bước sóng trung bình
- UVC (< 280nm) có bước sóng ngắn
Hãy cùng mình tìm hiểu ngay 3 nhóm tia UV này nhé
Tia UVA là gì?
Tia UVA là tia có năng lượng ít nhất trong số các tia UV. Có bước sóng 380-315 nm dài hơn 2 tia UVB và UVC nên việc tiếp xúc trái đất và tiếp cận với da chúng ta sẽ dễ dàng và nhiều hơn.
Tia UVA có thể đi xuyên qua cả quần áo, cửa kính. Tia UVA xuất hiện quanh năm, nơi nào có ánh sáng tự nhiên là có tia UVA.
Tia UVB là gì?
Tia UVB có năng lượng nhỉnh hơn tia UVA. Tia này có thể làm hỏng DNA trong các tế bào da trực tiếp và là tia chính gây ra cháy nắng. Chúng cũng được cho là gây ra hầu hết các bệnh ung thư da.
Tia UVB là tia có bước sóng ngắn hơn tia UVA (315-280 nm), nhưng lại có năng lượng mạnh hơn so với tia UVA. Phần lớn tia UVB bị giữ lại ở tầng ozone, và phần nhỏ sẽ tiếp xúc với với bề mặt trái đất.
Tia UVB xuất hiện cũng giống như tia UVA, nhưng đa phần các nước ở vùng nhiệt đới và gần đường xích đạo sẽ tiếp nhận nhiều tia UVB hơn. Vậy tia UVB có tác hại gì với làn da?
Tia UVC là gì?
Tia UVC có nhiều năng lượng hơn các loại tia UV khác. Có bước sóng (< 280nm) ngắn hơn cả UVB và UVA. Có một điều rất may mắn là chúng phản ứng với tầng ozone trong khí quyển và không thể chạm tới mặt đất, vì vậy tia UVC thường không phải là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da.
Những nơi nào trên trái đất bị thủng tầng ozone hoặc tầng ozone trở nên mỏng (do hiệu ứng nhà kính) mà có ánh nắng mặt trời thì tia UVC, UVB sẽ có cơ hội tiếp xúc toàn phần trực tiếp lên môi trường hay làn da con người.
Nguy cơ tổn hại đến môi trường trái đất, tổn hại đến da, bị ung thư da, cháy da trong 1 thời gian ngắn là rất cao.
Tia UV (UVA, UVB, UVC) có hại gì cho chúng ta?
Để biết được mức độ tác hại của các tia, chúng ta sẽ xem xét năng lượng của 3 tia sau:
- UVC do có bước sóng ngắn nhất nhưng lại có vùng năng lượng cao nhất (4,43 – 12,4 eV)
- UVB có bước sóng trung bình dài hơn UVC, có năng lượng thấp hơn tia UVC (3,94 – 4,43 eV)
- UVA thì có bước sóng dài gần với vùng ánh sáng thấy được nên có năng lượng thấp hơn tia UVB và UVC (3,10 – 3,94 eV)
Vậy khi cơ thể của chúng ta tiếp xúc ánh nắng gay gắt trong thời gian dài ở ngoài trời thì sẽ có hiện tượng gì xảy ra?
Đối với làn da
- Tia UVB sẽ tác động trực tiếp lên bề mặt da (lớp thượng bì), kích thích quá trình chuyển hóa melanin (sắc tố da) làm cho da bạn sạm màu, tối màu hơn. Nặng hơn có thể bị bỏng, đỏ, có cảm giác rát và ngứa.
- Tia UVA sẽ tác động xuyên qua lớp thượng bì, làm cho da bạn bị nám, nhăn nheo, lão hóa nhanh, đồng thời cũng là tác nhân gây ung thư da
- Tia UVC tuy không thể tiếp cận được mặt đất và trên da nhưng tia UVC cũng có thể đến từ một số nguồn nhân tạo, chẳng hạn như đèn hàn hồ quang, đèn thủy ngân và bóng đèn khử trùng UV được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng khác (như trong nước, không khí, thực phẩm hoặc trên bề mặt).
Đối với mắt và cơ thể
Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc, vào thủy tinh thể hay võng mạc ở bên trong mắt. Nếu phơi dưới bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng bị đục nhân mắt.
Ngoài ra, khi cơ thể dưới nắng gắt quá lâu sẽ bị mất nước do bài tiết mồ hôi giảm nhiệt cơ thể, lâu dần dẫn đến hiện tượng thiếu nước và say nắng, say nóng.
Vậy bạn gái cũng cần hiểu hơn về mức độ và những yếu tố có thể gây hại đến da, mắt, từ đó chúng ta có thể dễ dàng linh động, không máy móc trong việc phòng tránh tia UV. Hãy cùng tìm hiểu tiếp tục với mình nhé.
Cường độ của tia UV chiếu xuống mặt đất phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như:
- Vị trí địa lý: Tia UV sẽ thường có tác động mạnh với những vùng nhiệt đới gần đường xích đạo (trong đó có Việt Nam), còn xa hơn sẽ không bị ảnh hưởng nhiều
- Độ cao so với mực nước biển: Nơi nào có vị trí càng cao so với mực nước biển (vùng núi cao, cao nguyên…) thì nơi đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất
- Khung thời gian: Mức độ ảnh hưởng của tia UV cao nhất thường khoảng từ 10h sáng đến 4h chiều
- Các mùa trong năm: Tia UV mạnh hơn trong những tháng mùa xuân và mùa hè. Đây là một yếu tố gần xích đạo.
- Mây: Mây có ít và nhiều và có các hiệu ứng khác nhau, nhưng điều quan trọng cần biết là tia UV có thể xuyên qua mây và tới mặt đất, ngay cả khi một ngày có nhiều mây.
- Môi trường: Tia UV có cường độ lớn ở những nơi có không gian rộng, bề mặt sáng trắng phản xạ ánh sáng lớn như bề mặt nước, tuyết
- Ánh xạ bề mặt: Tia UV có thể bật ra (phản xạ) khỏi các bề mặt như nước, cát, tuyết, mặt đường hoặc thậm chí là cỏ, dẫn đến sự gia tăng phơi nhiễm UV.
- Trong không khí: phụ thuộc tầng Ozone bị giảm sút trong bầu khí quyển, nên việc lọc các tia UVB, UVC sẽ là không hoàn toàn
Tóm lại lưu ý nhỏ để tránh chủ quan cho các nàng
Một lưu ý là mây trời, bóng râm, sương mù không hề làm ảnh hưởng mức độ của tia UV.
Điều này chứng tỏ tia UV có thể xuyên qua mây mù mà mắt người không thể nhìn thấy và cảm nhận được. Do đó, các nàng cần lưu ý và tránh lầm tưởng trời râm mát sẽ không có tia UV nhé.
Lưu ý đối với trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ thường cần được bảo vệ khỏi tia UV nhiều hơn cả so với người lớn. Vì tia UV sẽ làm ảnh hưởng tới da và mắt của trẻ theo thời gian dài và tích lũy dần. Vì vậy, chúng ta cần phải bảo vệ cho trẻ nhỏ từ sớm để tránh sự tích lũy dần này.
Một lý do nữa là do trẻ em hiếu động thích ra ngoài trời nhiều hơn so người lớn, nên chúng ta cần chú ý tập cho trẻ thói quen đeo kính râm và đội nón khi ra ngoài trời nắng tránh sự phơi nhiễm tia UV.
Tia UV có lợi ích gì?
Ngoài những tác hại của UV đối với con người thì chúng cũng có những mặt lợi ích không kém nếu biết tận dụng đúng mục đích.
Đối với cơ thể người
Ở một liều lượng vừa đủ và hợp lý, tia cực tím giúp cơ thể chúng ta tổng hợp vitamin D một cách dễ dàng. Vitamin D có tác dụng làm giúp cho xương và răng chắc hơn, ngoài ra còn kích thích một số hoạt động chính của cơ thể.
Đối với môi trường
Diệt vi khuẩn trong không khí, diệt vi khuẩn trong nước, tùy thuộc vào mức độ chịu đựng của vi khuẩn, thời gian chiếu tia và mật độ tia. Do tác động trong không khí, tia UV còn sinh ra ozone để diệt khuẩn, theo nguyên lý tia UV làm biến dạng, hoặc giết chết vi khuẩn. Sau đây VeryGirlie trình bày 2 lợi ích khử khuẩn:
Khử khuẩn trong không khí
Có 2 cách khử khuẩn trong không khí là gián tiếp và trực tiếp
- Gián tiếp: chiếu đèn tia UV hướng lên trần nhà để tiêu diệt vi khuẩn ở lớp không khí phía trên và một phần phản xạ lại xuống tường và những ngách nhỏ trong nhà. Do không khí có tính chất đối lưu, lớp không khí phía trên đã được diệt khuẩn sẽ dần bị thay thế bởi lớp không khí bên dưới để diệt khuẩn tiếp và trong thời gian dài sẽ được khử khuẩn hoàn toàn trong không khí
- Trực tiếp: chiếu đèn UV trực tiếp thẳng từ trần nhà xuống nền nhà và từ đó diệt được vi khuẩn trong không khí. Nếu trong phòng có người thì nên đeo kính râm tránh hại tới mắt. Và nếu có những vùng da bị hở cũng cần được che chắn kỹ để không bị bỏng
Khử khuẩn trong nước
Để diệt khuẩn hiệu quả trong nước, bước sóng cần thiết phải từ 280 – 200 nm. Thông thường, đèn chiếu tia cực tím sẽ đặt ngầm dưới nước, nước chảy qua đèn có độ dày tầm 10 – 15 cm trong thời gian từ 10-30s.
Đèn tia cực tím chỉ có tác dụng diệt khuẩn hiệu quả với nước trong không màu. Nước càng đục và có màu sẽ càng không hiệu quả trong quá trình diệt khuẩn.
Ưu điểm của cách diệt khuẩn bằng tia UV này là không làm thay đổi mùi vị của nước.
Nhược điểm là về sau nước có thể bị nhiễm khuẩn lại, và chỉ áp dụng hiệu quả với nước trong.
Các ứng dụng khác lợi ích của tia UV
Ngoài những lợi ích tổng hợp vitamin D cho cơ thể, diệt khuẩn không khí và nước thì tia UV còn được ứng dụng nhiều trong ngành phát hiện tiền giả, hộ chiếu, giấy tờ quan trọng ngân hàng, thẻ tín dụng. Ứng dụng trong thiên văn học, quan sát vũ trụ bằng tia tử ngoại.
Tóm lại Tia UV có tác hại gì đối với da?
Ánh nắng mặt trời gây rất nhiều tác hại đối với làn da của bạn, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 đến 16 giờ. Ánh nắng lúc này có nhiều tia cực tím như UVA, UVC, UVB. Các tia UV này đều là những tác nhân gây nên sự tổn hại cho làn da như:
- Làm tăng sự hình thành sắc tố melanin tạo nên tình trạng không đều màu da
- Tăng nhanh quá trình lão hóa da, khiến da bị mất nước, mất sự đàn hồi, tạo nên nhiều nếp nhăn, tàn nhang, nám da…
- Gây tổn thương bên ngoài như mẩn đỏ, cháy nắng…
- Tăng sự hình thành các tế bào sừng khiến da bị khô ráp, sần sùi hơn
- Gây ung thư da
- Đặc biệt gây tổn hại cho mắt nếu nhìn trực tiếp vào ánh nắng mặt trời
Kết
Để tránh được những tổn thương da do ánh nắng, có rất nhiều cách đơn giản, nhưng nhanh và hiệu quả nhất đó là sử dụng kem chống nắng.
Qua những thông tin có độ chuyên sâu và chi tiết về tia UV (hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím) được tổng hợp bên trên sẽ giúp cho bạn gái hiểu được dễ dàng phần nào tia UV có tác hại gì đến làn da của chúng ta.
Hiểu được vì sao kem chống nắng lại quan trọng trong việc bảo vệ giúp cho làn da không bị cháy nắng, nhăn nheo, lão hóa nhanh, phần nào chống ưng thư da ?